Nguyên Vũ Motobike

Thay phuộc xe máy bao nhiêu tiền? Khi nào nên thay phuộc xe máy?

Thứ Bảy, 16/03/2024
Lê tấn hạnh

Phuộc xe máy còn có nhiều tên gọi khác là phuộc hơi, phuộc nhún, phuộc xe máy hay giảm xóc. Đây là một trong những bộ phận quan trọng trong hệ thống vận hành xe máy.

Vì vậy, khi nào nên thay phuộc xe máy, thay phuộc xe máy bao nhiêu tiền là vấn đề đang được nhiều chủ phương tiện quan tâm.

1. Phuộc xe máy là gì?

Phuộc xe máy là một bộ phận giúp tăng khả năng bám đường và giảm thiểu rung chấn khi di chuyển qua những đoạn đường xấu. Nhờ đó, bộ phận này hỗ trợ việc mang lại cảm giác êm ái cho người ngồi trên xe, tăng độ an toàn cho phương tiện.

Đa số các mẫu xe máy phổ thông đều được thiết kế 2 phuộc trước và 2 phuộc sau. Tuy nhiên, thị trường cũng có một số mẫu xe thể thao và xe tay ga cỡ nhỏ chỉ được trang bị 1 ống phuộc phía sau.

2. Một số hư hỏng phuộc xe máy thường gặp

Hệ thống phuộc xe máy được đánh giá là dễ bị hư hỏng và hao mòn hơn các bộ phận khác do tiếp nhận lực xung chấn nhiều nhất giữa mặt đường với xe, đặc biệt khi vận hành phương tiện ở điều kiện đường xá phức tạp như Việt Nam.

Do đó, chủ phương tiện cần chú ý theo dõi, phát hiện sớm các dấu hiệu hư hỏng dưới đây để sửa chữa hoặc thay phuộc xe máy kịp thời.

2.1. Phuộc xe máy phát ra tiếng kêu

Xe có tiếng kêu cót két là dấu hiệu đầu tiên cho biết phuộc nhún có vấn đề. Nguyên nhân của tiếng kêu bất thường này có thể do ống giảm xóc bị méo, lò xo bị gỉ và cọ xát vào ống bọc với thân xi-lanh.

Trường hợp người dùng ít bảo dưỡng phương tiện, giảm xóc càng có thể bị mòn, khô dầu, thậm chí ty thủy lực đã bị cong vì rung chấn mạnh. 

Trường hợp hư hỏng này không quá nghiêm trọng, nên người dùng chưa cần thay phuộc xe máy. Chủ phương tiện chỉ cần tháo phuộc và nắn lại ty thủy lực bằng dụng cụ chuyên dụng. Hoặc nếu không thể tự nắn tại nhà, chủ phương tiện nên mang xe đến cơ sở sửa chữa uy tín để đảm bảo không bị tráo phụ kiện chính hãng. 

2.2. Tay lái lệch

Tay lái không cân bằng là biểu hiện của tình trạng xe đã bị gãy một bên lò xo (ở bên bị xệ thấp), ống phuộc hai bên có độ cứng không đều, hoặc một cán piston bị cong. Bên cạnh đó, chủ phương tiện cũng cần chú ý đến các khớp nối giữa phuộc với bánh xe và tay lái khi khó giữ thăng bằng. Lúc này, tùy theo nguyên nhân mà chủ xe cần thay lò xo hoặc nắn lại cán piston.

2.3. Xe bị chảy dầu giảm xóc

Trường hợp phuộc xe máy có rỉ dầu bám ướt, hoặc xe phát ra tiếng kêu lộc cộc và bị nảy khi chạy qua ổ gà là dấu hiệu bộ phận giảm xóc đã bị hở phớt và chảy dầu ty thủy lực. Khi đó, chủ xe chỉ cần tháo rời piston và xi-lanh ở giảm xóc trước, sau đó đổ dầu đúng chủng loại và định lượng tiêu chuẩn của nhà sản xuất.

Trường hợp sau khi thay dầu xong nhưng giảm xóc vẫn quá cứng, nghĩa là lượng dầu đã vượt quá mức quy định và chủ xe cần giảm bớt dầu bằng cách tháo ốc xả ở đáy giảm xóc.

2.4. Phuộc xe cứng, đàn hồi kém

Chuyển động lên, xuống của phuộc xe máy là hoạt động cơ bản để thể hiện chức năng giảm chấn. Tuy nhiên, khi phuộc cứng hoàn toàn sẽ làm mất khả năng đàn hồi, tạo độ xóc lớn cho xe.

Đặc biệt là khi di chuyển trên những đoạn đường gồ ghề, phuộc xe cứng sẽ khiến phản lực từ mặt đường tác động lên tay lái lớn. Tình huống này khiến người điều khiển khó kiểm soát và dễ gây tai nạn.

Nguyên nhân của tình trạng phuộc cứng thường do xe máy đã bị va chạm, ty phuộc bị cong và phớt cao su trên vỏ phuộc bị hỏng. Ngoài ra, nếu thường xuyên di chuyển tốc độ cao trên đoạn đường không bằng phẳng, ty phuộc cũng nhanh bị hư hỏng hơn do quá trình piston đẩy lò xò tạo áp lực nén mạnh sẽ lặp lại nhiều lần.

3. Khi nào nên thay phuộc xe máy

Khi nào cần thay phuộc xe máy là một câu hỏi khó trả lời cụ thể, mà phải tùy theo mức độ hư hỏng của phuộc. Việc sửa chữa phuộc xe máy bao gồm nắn lại ty thủy lực bị cong, mạ lại lớp mạ bên ngoài,…

Với các thao tác phức tạp và đòi hỏi phải có dụng cụ chuyên dụng, chủ phương tiện nên mang xe đến địa chỉ uy tín để kiểm tra và sửa chữa phuộc xe máy kịp thời. 

Với các trường hợp đã hư hỏng nặng và không thể sửa chữa như phuộc xe cứng, đàn hồi kém, … người dùng cần thay phuộc xe máy mới để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông. Lưu ý, chủ xe buộc phải thay cả cụm phuộc trước kể cả chỉ bị hỏng một bên phuộc.

Ngoài các yếu tố khách quan thì bản thân hệ thống giảm xóc cũng dễ bị hư hỏng hơn các bộ phận khác do hao mòn lớn. Vì vậy, chủ phương tiện nên thường xuyên bảo dưỡng xe máy để phát hiện sớm các dấu hiệu hư hỏng ban đầu của phuộc.

4. Thay phuộc xe máy bao nhiêu tiền?

Giá thay phuộc xe máy còn tùy thuộc vào loại xe ga hay xe số. Phuộc trước và sau của xe số có giá từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Phuộc trước xe tay ga có giá cao hơn, dao động trong khoảng từ 1.200.000 - 1.500.000 đồng tùy mẫu mã và người bán.

Trong trường hợp phuộc xe chỉ bị hư hỏng nhẹ, chi phí sửa chữa phuộc dao động từ 200.000 đồng - 500.000 đồng. Do đó, chủ phương tiện nên chú ý quan sát, phát hiện dấu hiệu hư hỏng phuộc càng sớm càng tốt để tiết kiệm chi phí thay phuộc xe máy.

5. Thay phuộc xe máy có bị phạt không?

Thay phuộc xe máy có bị phạt không là băn khoăn chung của rất nhiều chủ xe khi phuộc đã hư hỏng nặng. Thực tế, Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 Việt Nam có nghiêm cấm việc tự ý thay đổi kết cấu và làm sai lệch kết cấu xe so với thiết kế ban đầu theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, việc thay thế các phụ kiện bên ngoài như phuộc xe máy không ảnh hưởng đến an toàn - nên không thuộc điều luật bị cấm. Vì vậy, chủ phương tiện có thể yên tâm thay phuộc xe máy để đảm bảo an toàn mà không lo lắng sẽ bị phạt.

6. Hướng dẫn sử dụng phuộc xe máy đúng cách

Người dùng cần vận hành phương tiện an toàn để hạn chế tình trạng phuộc bị hư hỏng. Để kéo dài tuổi thọ và tiết kiệm chi phí thay phuộc xe máy, chủ xe nên tuân thủ các lưu ý sử dụng như sau:

Điều chỉnh phuộc xe phù hợp với trọng tải: Phần lớn các loại phuộc nhún thuỷ lực đều có các vạch phân cách tải trọng ở ống phuộc sau. Phổ biến ở các loại xe phổ thông là hai vạch tải trọng khi đi một mình và khi chở thêm một người.

Khi đi một mình hoặc chở một người ở phía sau, người lái cần sử dụng phuộc nhún ở mức đầu tiên. Nhưng khi chở thêm một người có trọng lượng trên 60kg, người lái cần phải tăng đơ phuộc nhún lên mức cao hơn.

Do đó nếu người dùng thường xuyên chở 2-3 người hoặc hàng hóa nặng, hệ thống phuộc xe máy sẽ bị suy giảm tuổi thọ nhanh chóng. 

Không tháo ốp nhựa hoặc xát-xi bên ngoài phuộc nhún sau: Các phuộc nhún sau được phủ một lớp xi dày loại hợp kim đặc biệt hoặc một lớp nhựa để hạn chế tác động mài mòn của cát bụi, nước mưa, bùn, đất…

Việc tháo các lớp bảo vệ bên ngoài này sẽ gây gỉ sét và rút ngắn tuổi thọ của lò xo nhún. Người dùng chỉ nên tháo ở lớp bảo vệ này ở một số ít loại phuộc nhún đặc biệt trên xe thể thao. 

Luôn giữ mặt cán piston sáng bóng: Chủ phương tiện cần đảm bảo lỗ cán piston trên xi-lanh không có độ rơ ngang và không có màng dầu bám trên bề mặt cán khi kéo ra, ấn vào. Đồng thời, chủ xe cần duy trì trạng thái ti giảm xóc theo hướng thẳng đứng, cảm giác giữa ấn vào và kéo ra chênh lệch càng lớn càng tốt.

Bảo dưỡng, thay thế phuộc định kỳ: Thực tế phuộc nhún sau không cần bảo dưỡng định kỳ, nhưng phuộc xe trước cần bảo dưỡng thường xuyên. Chu kỳ thay dầu xi-lanh của phuộc trước là khoảng 5.000-10.000km.

Ngày nay, hầu hết các mẫu xe điện thế hệ mới cũng được trang bị hệ thống phuộc trước và sau, giúp giảm thiểu hư hỏng và bảo trì của hệ thống treo. Hệ thống phuộc xe điện giúp việc sử dụng phương tiện trở nên an toàn hơn và tiết kiệm chi phí sửa chữa.

Như vậy, khi nào nên thay phuộc xe máy còn phụ thuộc vào tình trạng hư hỏng của bộ phận này. Chi phí thay phuộc xe máy thường cao gấp 3 - 4 lần phí sửa chữa. Vì vậy, chủ phương tiện nên thường xuyên quan sát và bảo dưỡng xe, để phát hiện kịp thời những hư hỏng và tối ưu chi phí bảo trì trong dài hạn.

Viết bình luận của bạn
Ẩn so sánh
Messenger